Xuất bản thông tin

null Tham luận về kinh nghiệm trong thực hiện chuyển đổi số ngành nông nghiệp tại tỉnh Đồng Tháp

Chi tiết bài viết Tin tức

Tham luận về kinh nghiệm trong thực hiện chuyển đổi số ngành nông nghiệp tại tỉnh Đồng Tháp

Chuyển đổi số nông nghiệp và phát triển nông thôn là yêu cầu tất yếu khách quan và là trách nhiệm, nghĩa vụ, quyền lợi của cả hệ thống chính trị, của ngành, doanh nghiệp và đặc biệt là người nông dân. Có thể nói vai trò của ngành nông nghiệp Đồng Tháp thời gian qua đã và đang được khẳng định, thực hiện chủ trương tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, phát triển bền vững, tập trung công tác quy hoạch ngành, sản phẩm chủ lực gắn với xây dựng nông thôn mới.

Chuyển đổi số đang là xu thế tất yếu trên mọi lĩnh vực, không chỉ riêng nông nghiệp. Việc ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ, xây dựng nông nghiệp thông minh, tiến tới nông nghiệp số là điều cần thiết. Tuy nhiên, chuyển đổi số là cuộc cách mạng lớn nên cần phải bắt đầu từ những chuyện cụ thể như: Tự động hóa các dữ liệu nông nghiệp, giám sát sâu rầy thông minh, ứng dụng phần mềm truy xuất nguồn gốc nông sản, quản lý việc làm nông qua smartphone, giao dịch nông sản trên chợ điện tử... Thông qua những việc như thế để người nông dân thay đổi tư duy, nhận thức và mạnh dạn tham gia nông nghiệp thông minh.

Ông Nguyễn Văn Vũ Minh - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đồng Tháp phát biểu tham luận tại Hội thảo Giải pháp hỗ trợ nông dân – Hợp tác xã nông nghiệp Doanh nghiệp chuyển đổi số trong quản ký, sản xuất và tiêu thụ sản phẩm

Tại Đồng Tháp, chuyển đổi số trong nông nghiệp thời gian qua đã áp dụng nhiều giải pháp ứng dụng số hóa để làm cơ sở từng bước tích hợp vào nền tảng dữ liệu số lĩnh vực nông nghiệp.

(1) Lĩnh vực trồng trọt đã ng dụng công nghệ GIS để quản lý cơ sở dữ liệu phục vụ công tác dự tính, dự báo dịch hại.

(2) Lĩnh vực chăn nuôi đã triển khai ứng dụng phần mềm báo cáo dịch bệnh trực tuyến VAHIS trong báo cáo dịch bệnh trên đàn vật nuôi.

(3) Lĩnh vực thủy lợi đã được số hóa và ứng dụng phần mềm MapInfow để quản lý và giám sát hệ thống đê điều, ứng dụng hệ thống thông tin địa lý (GIS) theo giám sát, theo dõi sạt lở bờ sông.

(4) Trong lâm nghiệp ứng dụng hệ thống thông tin cập nhật diễn biến rừng để theo dõi diễn biến rừng hằng năm, phục vụ công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành.

(5) Lĩnh vực kinh tế hợp tác, hệ thống quản lý dữ liệu Hợp tác xã nông nghiệp qua địa chỉ https://quanlyhtxnongnghiep.gov.vn, nhằm giúp hình thành kênh tương tác thông tin trực tiếp giữa cơ quan quản lý nhà nước và các hợp tác xã nông nghiệp. Xây dựng và ứng dụng "Phần mềm số hoá OCOP" vào nhiệm vụ đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP, giúp cho việc truy xuất, quản lý sản phẩm được công nhân hiệu quả hơn.

Cùng với đó, Đồng Tháp có được ưu thế trong chuyển đổi số là nhờ sự vào cuộc, quan tâm của cấp ủy đảng và người đứng đầu, điều đó được thể hiện bằng Nghị quyết số 04-NQ/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ Tỉnh Khóa XI về chuyển đổi số tỉnh Đồng Tháp. Từ đó, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tham mưu Ủy ban nhân dân Tỉnh ban hành Đề án Chuyển đổi số ngành nông nghiệp tỉnh Đồng Tháp và mạnh dạn phối hợp các đơn vị liên quan xây dựng nền tảng dữ liệu số ngành nông nghiệp, giúp quản lý nông nghiệp số và phát triển kinh tế nông nghiệp số dựa trên nền tảng cơ sở dữ liệu lớn cho ngành nông nghiệp, quản lý tập trung, đồng bộ, sẵn sàng kết nối dữ liệu với các hệ thống chuyển đổi số nông nghiệp quốc gia.

* Định hướng mà Đồng Tháp mong muốn hướng đến đó là:

(1) Ứng dụng tối đa công nghệ thông tin trong giải quyết thủ tục hành chính, trong hoạt động hành chính thuộc lĩnh vực quản lý của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nhằm tạo thuận lợi cho tổ chức, cá nhân.

(2) Ứng dụng công nghệ số để số hóa dữ liệu quản lý, hướng đến tự động hoá trong quy trình thu thập - xử lý - báo cáo - lưu trữ dữ liệu thống kê thuộc lĩnh vực trồng trọt - bảo vệ thực vật, chăn nuôi - thú y - thuỷ sản, lâm nghiệp, phát triển nông thôn, thủy lợi, nông thôn mới, OCOP,... góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý ngành.

(3) Ứng dụng công nghệ số để quản lý quy trình sản xuất an toàn, hình thành mạng lưới quan sát - quan trắc, truy xuất nguồn gốc theo chuỗi cung ứng sản phẩm nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm, hiệu quả sản xuất và bảo đảm thông tin truy xuất được thuận tiện, minh bạch, chính xác; dần tiến đến chuyển đổi số toàn diện trong sản xuất nông nghiệp, hình thành mạng lưới quan sát - quan trắc tự động phục vụ hoạt động chuyển dịch sản xuất theo hướng kinh tế nông nghiệp, kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh trong lĩnh vực nông nghiệp.

(4) Ứng dụng công nghệ số để xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu lớn về thổ nhưỡng; về đặc tính thích nghi của cây trồng, vật nuôi, thủy sản; về thông tin thị trường,... phục vụ công tác định hướng phát triển vùng sản xuất tập trung quy mô lớn, an toàn, tuần hoàn gắn hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối cung cầu, quảng bá sản phẩm nông nghiệp góp phần tạo giá trị mới cho nông sản.

Toàn bộ các hệ thống dữ liệu nói trên sẽ được tích hợp vào Trung tâm tích hợp dữ liệu của Tỉnh để phục vụ công tác quản lý chuyển đổi số toàn tỉnh và phục vụ điều hành kinh tế - xã hội tỉnh Đồng Tháp được hiệu quả.

Tuy nhiên, Đồng Tháp cũng nhìn nhận rằng, nông sản của tỉnh nhà sản xuất tuy chất lượng cao nhưng đa số vẫn chưa minh bạch trong thông tin về sản phẩm, thậm chí có thời điểm cần "Giải cứu nông sản". Điều đó đã dẫn đến hệ quả tất yếu là: Hiệu quả sản xuất nông nghiệp kém, thu nhập thấp, đời sống nông dân không ổn định. Do vậy, chuyển đổi số nông nghiệp muốn thành công phải bắt đầu từ người nông dân, xem người nông dân là người đầu tiên và là gốc để chuyển đổi số. Người nông dân trong chuyển đổi số nông nghiệp không chỉ đóng vai trò chủ lực mà còn là nhóm cần được quan tâm nhất. Chuyển đổi số trong nông nghiệp nhằm thúc đẩy việc tiêu thụ nông sản của bà con nông dân bằng các nền tảng số, tích hợp giá trị, tạo sự thuận lợi cho người nông dân, hợp tác xã, người tiêu dùng. Đồng thời, góp phần gia tăng giá trị của nông sản của các địa phương, tái cơ cấu ngành nông nghiệp trong giai đoạn mới theo hướng công khai, minh bạch, bình đẳng.

Có thể nói, chuyển đổi số trong nông nghiệp hiện nay đang là bước đi mới đối với tất cả các địa phương, không chỉ ở Đồng Tháp; đây được xem là nhiệm vụ vô cùng quan trọng. Tái cơ cấu nông nghiệp muốn thành công thì việc số hóa phải được xem là tất yếu và đặt lên hàng đầu. Do đó, không ngoại lệ, Đồng Tháp đã triển khai và nhận thấy một số kinh nghiệm như:

(1) Ngày từ những ngày đầu triển khai thực hiện, chưa có mô hình mẫu hay định hướng chuyển đổi số cho từng lĩnh vực nông, lâm, thủy sản. Do đó, địa phương đã chủ động phối hợp với các tổ chức, doanh nghiệp xây dựng mô hình thử nghiệm trong sản xuất với quy mô nhỏ nhằm đánh giá hiệu quả và từng bước ứng dụng khoa học và công nghệ ngày càng phức tạp hơn để đánh giá mức độ khả thi các mô hình trước khi tổ chức nhân rộng.

(2) Tâm lý ngại thay đổi phương thức sản xuất truyền thống sang phương thức sản xuất mới (ứng dụng công nghệ số). Do đó, để người sản xuất dần nhận thấy hiệu quả và thay đổi nhận thức về tầm quan trọng của việc ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ thông tin vào quy trình sản xuất, cần sự phối hợp với các ngành và địa phương tích cực tuyên truyền để người sản xuất dần thay đổi nhận thức và tích cực tuyên truyền trực quan thông qua xây dựng mô hình trình diễn ứng dụng số hóa, tự động hóa để người sản xuất được tiếp cận, tham quan, tham gia canh tác để tăng hiệu ứng tuyên truyền.

(3) Những ngày đầu triển khai, Trung tâm tích hợp dữ liệu Tỉnh chỉ đáp ứng một phần nhu cầu lưu trữ, chưa đáp ứng về số lượng, chất lượng và giải pháp công nghệ, đặc biệt chưa mở rộng năng lực tính toán, lưu trữ để triển khai các ứng dụng trí tuệ nhân tạo, xử lý dữ liệu lớn; đồng thời không có khả năng phòng chống phá hoại, làm ngừng hoạt động và mất dữ liệu. Do đó, nâng cấp hạ tầng kỹ thuật công nghệ thông tin phục vụ chính quyền số để đáp ứng yêu cầu hạ tầng cho các ứng dụng chuyển đổi số là nhiệm vụ cần thiết và cấp bách.

(4) Bên cạnh việc ứng dụng công nghệ số vào quy trình sản xuất góp phần tạo ra nông sản chất lượng cao thì vấn đề sở hữu trí tuệ, xây dựng nhãn hiệu hàng hoá để tránh tình trạng mạo danh, cạnh tranh không lành mạnh, làm ảnh hưởng đến uy tín của người sản xuất và người tiêu dùng chưa được người sản xuất quan tâm xác lập.

(5) Điều quan trọng không thể thiếu khi phát triển nền tảng dữ liệu số, đó là số hóa dữ liệu quản lý, tự động hoá trong quy trình thu thập - xử lý - báo cáo - lưu trữ dữ liệu thống kê. Hiện tại, Đồng Tháp đang quyết liệt triển khai đồng bộ nhiệm vụ này.

Nhân dịp Hội thảo, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Đồng Tháp xin đề xuất một số giải pháp hỗ trợ nông dân – Hợp tác xã nông nghiệp – Doanh nghiệp chuyển đổi số trong quản ký, sản xuất và tiêu thụ sản phẩm như sau:

(1) Tạo dựng môi trường, hệ sinh thái số nông nghiệp, thúc đẩy chuyển đổi từ "Sản xuất nông nghiệp" sang "Kinh tế nông nghiệp", nhất là bắt đầu từ mô hình các hợp tác xã, hội quán. Ứng dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn giúp phân tích các dữ liệu về chất lượng nước, quản lý quy trình chăm sóc cây trồng, vật nuôi. Áp dụng công nghệ tự động hoá trong chế biến để giảm chi phí, bảo đảm chất lượng sản phẩm. Ứng dụng công nghệ chuỗi khối (Block chain), hệ thống thông tin địa lý (GIS) để truy xuất nguồn gốc, chỉ dẫn địa lý.

(2) Ngành Công nghệ thông tin hỗ trợ trong việc xây dựng cơ sở hạ tầng công nghệ qua hệ thống các phần mềm: Ngân hàng kiến thức của từng lĩnh vực nông nghiệp, thủy lợi, thủy sản, chế biến, thị trường. Xây dựng công nghệ dự báo phục vụ sản xuất nông nghiệp, cung cấp thông tin về thời tiết, chất lượng đất đai, thị trường... Xây dựng chương trình tập huấn, cập nhật kiến thức đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số, nhất là trong nông nghiệp, nông thôn và hội nhập quốc tế cho doanh nghiệp, hợp tác xã, người nông dân thực hiện chuyển đổi số trong nông nghiệp, nông thôn như: Xây dựng chương trình, kế hoạch đào tạo, tập huấn bổ sung kỹ năng lãnh đạo, quản lý, nâng cao nhận thức về chuyển đổi số, chính quyền số cho người đứng đầu các cấp (tỉnh, huyện, xã), cho cán bộ, công chức, viên chức,... bằng nhiều hình thức đa dạng và phù hợp với thực tế. Nâng cao khả năng tận dụng lợi ích từ công nghệ số mang lại để phục vụ cho việc phát triển kinh tế - xã hội.

(3) Ngành Công Thương tăng cường ứng dụng các nền tảng số trong hoạt động thương mại, kết nối cung cầu, quảng bá sản phẩm nông nghiệp góp phần tạo ra giá trị mới cho nông sản; tạo cầu nối cho người dân, doanh nghiệp, hợp tác xã, hội quán, tổ hợp tác tìm hiểu và trao đổi thông tin liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, giảm các bước trung gian. Thường xuyên tổ chức các hội nghị kết nối tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp của các hợp tác xã nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, công nghệ số. Hỗ trợ các hợp tác xã nông nghiệp quảng bá sản phẩm qua các kênh thông tin truyền thông ở cả trung ương và địa phương, hỗ trợ các hợp tác xã tham gia các hội chợ thương mại nông sản tổ chức trong và ngoài tỉnh. Hỗ trợ các hợp tác xã nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao phát huy các sáng kiến hợp tác, liên kết cùng nhau ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất và xây dựng chuỗi giá trị nông sản chất lượng cao.

(4) Đối với Ủy ban nhân dân cấp huyện cần đẩy mạnh phát triển nông dân số, nông thôn số: Phối hợp với các ngành chuyên môn cấp tỉnh triển khai chương trình đào tạo, tập huấn kỹ năng số cho các doanh nghiệp nông nghiệp, hợp tác xã nông nghiệp, hội quán, nông dân. Xây dựng các câu lạc bộ cộng đồng "Kết nối chuyển đổi số", "Tổ công nghệ số cộng đồng" ở các địa phương khi có đủ điều kiện./.

                                                                                         Tấn Vương