Sisältöjulkaisija

null Nhiều điểm sáng trong công tác cải cách hành chính của Sở Tư pháp trong thời gian qua

Chi tiết bài viết Tin tức

Nhiều điểm sáng trong công tác cải cách hành chính của Sở Tư pháp trong thời gian qua

Quyết tâm của lãnh đạo Sở Tư pháp trong tổ chức thực hiện công tác cải cách hành chính

Để kịp thời triển khai thực hiện các nhiệm vụ cải cách hành chính (CCHC), Sở Tư pháp đã ban hành Kế hoạch CCHC hằng năm với các mục tiêu, nhiệm vụ cụ thể, trong đó phân công cụ thể phòng, đơn vị chịu trách nhiệm thực hiện, kết quả/sản phẩm, thời hạn thực hiện.

Lãnh đạo Sở Tư pháp đã chỉ đạo Văn phòng Sở rà soát các chỉ tiêu, nhiệm vụ CCHC thực hiện chưa đạt trong năm trước, từ đó ban hành văn bản chỉ đạo các phòng, đơn vị tăng cường thực hiện các nhiệm vụ CCHC, không xét thi đua hằng năm đối với phòng, đơn vị thực hiện không đạt các nhiệm vụ CCHC.

Đồng thời, tổ chức rà soát tiến độ thực hiện chỉ tiêu, nhiệm vụ CCHC hằng quý để kịp thời chấn chỉnh, đẩy mạnh thực hiện các tiêu chí CCHC chưa đạt; tổ chức kiểm tra công tác CCHC đối với các phòng chuyên môn, đơn vị thuộc Sở; qua kiểm tra đã kịp thời chấn chỉnh, khắc phục các hạn chế trong thực hiện các nhiệm vụ CCHC.

Sở Tư pháp làm việc với Trung tâm Hành chính công Tỉnh, Bưu điện Tỉnh bàn giải pháp nâng cao tỷ lệ người dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến, thanh toán trực tuyến

Chỉ đạo tăng cường công tác tuyên truyền về CCHC, nhất là tuyên truyền cho người dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến; phối hợp đăng tin, bài trên Trang thông tin điện tử CCHC của Tỉnh, Trang thông tin Phổ biến, giáo dục pháp luật Tỉnh và Trang thông tin điện tử của Sở Tư pháp; phối hợp với Đài Phát thanh và Truyền hình Đồng Tháp thực hiện chuyên mục Biết để làm đúng, chương trình Tư vấn pháp luật. Vừa qua, Sở Tư pháp đã tổ chức 02 cuộc thi tìm hiểu kiến thức pháp luật bằng hình thức trực tuyến; trong đó, cuộc thi cho sinh viên của Trường Đại học Đồng Tháp đã thu hút trên 10.783 lượt sinh viên tham gia dự thi; cuộc thi tìm hiểu kiến thức pháp luật do Sở Tư pháp phối hợp với Đoàn TNCS Hồ Chí Minh Tỉnh, Liên đoàn Lao động Tỉnh và Hội Liên hiệp Phụ nữ Tỉnh tổ chức, thu hút trên 66.475 lượt thí sinh dự thi.

Nhiều mô hình mới để nâng cáo chất lượng, hiệu quả phục vụ Nhân nhân

Để khắc phục những hạn chế trong công tác tuyên truyền, hướng dẫn người dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến, Giám đốc Sở Tư pháp đã chỉ đạo phòng chuyên môn phối hợp với Chi đoàn triển khai thực hiện mô hình "Tổ hỗ trợ giải quyết thủ tục hành chính lĩnh vực Tư pháp" (mô hình này đã được công nhận hiệu quả áp dụng, phạm vi ảnh hưởng của sáng kiến trong cam kết lãnh đạo, điều hành, phục vụ Nhân dân trên địa bàn Tỉnh năm 2024).

Đoàn viên thanh niên của Sở Tư pháp hướng dẫn người dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến tại Trung tâm Hành chính công Tỉnh

Nội dung của mô hình là cử đoàn viên thanh niên của Sở Tư pháp trực tại Bộ phận Tiếp nhận và Trả kết quả của Sở tại Trung tâm Hành chính công Tỉnh hướng dẫn người dân đăng ký giải quyết thủ tục hành chính bằng hình thức trực tuyến, đăng ký tài khoản công dân, thanh toán trực tuyến.

Để triển khai hiệu quả mô hình, Sở Tư pháp đã giao Chi đoàn phân công lịch trực hỗ trợ tại Bộ phận Tiếp nhận và Trả kết quả của Sở, mỗi ngày cử 01 đoàn viên ra hỗ trợ, trực từ thứ 2 đến thứ 6, trường hợp người dân đến yêu cầu giải quyết đông sẽ bố trí thêm 01 công chức của Văn phòng hỗ trợ xử lý hồ sơ.

Ngoài ra, để nâng cao hiệu quả tuyên truyền, hướng dẫn người dân thực hiện thủ tục hành chính, Sở Tư pháp đã xây dựng video hướng dẫn đăng ký cấp Phiếu lý lịch tư pháp qua VNeID, đặt 04 bản hướng dẫn các thao tác đăng ký qua VNeID tại Trung tâm Hành chính công Tỉnh; thành lập nhóm Zalo tư vấn trực tiếp cho người dân khi có vướng mắc trong giải quyết thủ tục hành chính lĩnh vực Tư pháp.

Từ những giải pháp cụ thể trong triển khai mô hình CCHC của cơ quan, tỷ lệ người dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến đã được cải thiện, tỷ lệ người dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến trong năm 2024 đạt tỷ lệ 75,2% (tăng 34,2% so với năm 2023).

Ngoài ra, Sở Tư pháp cũng đang tiếp tục duy trì các mô hình CCHC hiệu quả như:

Mô hình tư vấn pháp luật và trợ giúp pháp lý trong tiếp công dân theo Quy chế phối hợp số 878/QCPH-STP-TTr-VPUBND-HLG-ĐLS ngày 29/05/2023 của Sở Tư pháp, Văn phòng UBND Tỉnh, Hội Luật gia Tỉnh, Đoàn Luật sư Tỉnh về việc phối hợp tư vấn pháp luật và trợ giúp pháp lý trong việc tiếp công dân (từ đầu năm 2024 đến nay đã trợ giúp, tư vấn pháp luật cho hơn 90 lượt người dân, doanh nghiệp). Qua một thời gian hoạt động cho thấy nhu cầu tư vấn pháp luật và trợ giúp pháp lý trong việc tiếp công dân là khá cao, chủ yếu là cá nhân đến tư vấn pháp luật, nhất là trong lĩnh vực dân sự về đất đai, một số ít vụ việc hình sự và hành chính, góp phần tích cực kéo giảm tình trạng khiếu kiện, khiếu nại kéo dài, vượt cấp.

Mô hình câu lạc bộ hòa giải ở cơ sở được nhân rộng, toàn tỉnh có 143 Câu lạc bộ Hoà giải ở cơ sở/141 xã, phường, thị trấn, tăng 37 Câu lạc bộ so với năm 2023; có 712 Tổ hoà giải với 4.060 hòa giải viên. Trong năm 2024, các Tổ hòa giải đã tiếp nhận và hòa giải 3.073 vụ việc, trong đó hòa giải thành 2.897 vụ việc, đạt tỷ lệ 94,3% (tăng 2,5% so với năm 2023). Các địa phương hòa giải thành đạt tỷ lệ cao như thành phố Sa Đéc đạt 100%, huyện Châu Thành đạt 97,96%, thành phố Cao Lãnh đạt 97,84%. Đây là mô hình CCHC hiệu quả, được Bộ Tư pháp đánh giá cao, góp phần tích cực trong giảm áp lực cho hoạt động xét xử của cơ quan Tòa án; giúp người dân dễ dàng tiếp cận quy định pháp luật thông qua quá trình hòa giải của các hòa giải viên, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của người dân trên toàn tỉnh.

Bài học kinh nghiệm rút ra

Thứ nhất, công tác chỉ đạo, điều hành của lãnh đạo các đơn vị thuộc Sở Tư pháp đóng vai trò quan trọng trong thực hiện công tác CCHC. Việc bố trí cán bộ chuyên trách tham mưu thực hiện công tác CCHC cũng như phân công nhiệm vụ cụ thể cho các phòng, đơn vị, thường xuyên kiểm tra, đánh giá tiến độ thực hiện để kịp thời chấn chỉnh, chỉ đạo thực hiện, … đã góp phần nâng cao hiệu quả CCHC của Sở trong thời gian qua.

Thứ hai, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan liên quan giải quyết các hạn chế, khó khăn trong tổ chức thực hiện nhiệm vụ CCHC, nhất là nhiệm vụ tuyên truyền về CCHC, xây dựng nền tảng để cung cấp ổn định các dịch vụ công trực tuyến thuộc lĩnh vực phụ trách, triển khai có hiệu quả các mô hình điểm của Đề án 06.

Thứ ba, đẩy mạnh thực hiện các mô hình CCHC đã phát huy hiệu quả, góp phần tích cực trong việc nâng cao mức độ hài lòng của người dân, duy trì Chỉ số CCHC chung của toàn tỉnh.

Phương hướng nhiệm vụ công tác CCHC của Sở trong thời gian tới

Công tác CCHC của Sở thời gian qua đã đạt được nhiều điểm sáng, nổi bật. Đề tiếp tục phát huy những kết quả đạt được nhằm nâng cao hiệu quả, chất lượng công tác CCHC và thực hiện phương châm công tác của tỉnh Đồng Tháp trong năm 2025 "Kỷ nguyên mới sen hồng tỏa sắc - Kinh tế xanh Đồng Tháp vươn mình", Sở Tư pháp quyết tâm tiếp tục thực hiện tốt các nội dung, nhiệm vụ CCHC trong năm 2025 và những năm tiếp theo, trong đó tập trung vào một số nhiệm vụ trọng tâm, cụ thể:

Thứ nhất, bám sát thực hiện 06 lĩnh vực CCHC, tham mưu Ủy ban nhân dân Tỉnh thực hiện tốt công tác cải cách thể chế.

Thứ hai, cải cách về tổ chức, bộ máy của cơ quan, sắp xếp tinh gọn các tổ chức bên trong Sở gắn với nhiệm vụ tinh giản biên chế theo chỉ đạo của Bộ Tư pháp, Tỉnh ủy và Ủy ban nhân dân Tỉnh.

Thứ ba, đẩy mạnh công tác rà soát, đề xuất đơn giản hóa thủ tục hành chính lĩnh vực Tư pháp, nhất là các thủ tục hành chính liên quan đến điều kiện kinh doanh, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp (đơn giản hóa ít nhất 20%).

Thứ tư, tiếp tục nhân rộng các mô hình CCHC hiệu quả lĩnh vực Tư pháp, triển khai mô hình "Cấp bản sao trích lục hộ tịch phi địa giới hành chính" trong quý I năm 2025.

Thứ năm, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, tăng cường thực hiện nhiệm vụ chuyển đổi số trong hoạt động của Sở Tư pháp, phấn đấu hoàn thành xuất sắc các chỉ tiêu, nhiệm vụ CCHC trong năm 2025 và những năm tiếp theo./.

Công Khởi