Xuất bản thông tin

null HUYỆN THÁP MƯỜI: Đẩy mạnh cải cách hành chính hướng tới xây dựng chính quyền điện tử, công dân điện tử

Chi tiết bài viết Tin tức

HUYỆN THÁP MƯỜI: Đẩy mạnh cải cách hành chính hướng tới xây dựng chính quyền điện tử, công dân điện tử

Xác định cải cách hành chính (CCHC) là một khâu quan trọng nhằm hướng tới xây dựng chính quyền điện tử, công dân điện tử và từng bước nâng cao sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp đối với các thủ tục hành chính (TTHC) công trên địa bàn Huyện.

Trong năm qua, Ủy ban nhân dân (UBND) huyện Tháp Mười đã triển khai thực hiện tập trung nhiều lĩnh vực như: Cải cách thể chế; cải cách tổ chức bộ máy hành chính; xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức; cải cách tài chính công và hiện đại hóa nền hành chính. Đặc biệt, chú trọng xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật, mạng lưới công nghệ thông tin từ huyện tới các xã, thị trấn; đẩy mạnh thực hiện tiếp nhận và trả kết quả theo cơ chế Một cửa, Một cửa liên thông trong giải quyết TTHC.

Theo đó, hiện nay trên hệ thống dịch vụ công trực tuyến của tỉnh Đồng Tháp (http://www.dichvucong.dongthap.gov.vn), huyện Tháp Mười có 94 TTHC cung cấp trực tuyến mức độ 3 và 61 TTHC cung cấp trực tuyến mức độ 4. Trong năm 2021, tính đến đầu tháng 11 năm 2021, hệ thống đã tiếp nhận tổng số 1.073 TTHC mức độ 3 và 245 TTHC mức độ 4 được các tổ chức, công dân thực hiện qua dịch vụ công trực tuyến ở cấp huyện và cấp xã; đồng thời, 100% cơ quan chuyên môn thuộc UBND Huyện và UBND các xã, thị trấn được kết nối internet, vận hành thông suốt, ổn định, bảo đảm an toàn, an ninh, từ đó tỷ lệ giải quyết công việc và trả kết quả trên địa bàn huyện bảo đảm quy định về quy trình, thời gian (cấp xã đạt trên 99%, cấp huyện đạt trên 98%).

(Quang cảnh minh họa)

Đặc biệt, hiện nay trong tình hình ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, để bảo đảm công tác phòng, chống dịch, Huyện tăng cường họp trực tuyến thông qua các phần mềm liên thông với Tỉnh, Huyện và các xã, thị trấn; các văn bản tài liệu, công tác chỉ đạo điều hành được thực hiện thông qua máy tính, qua mạng thay cho văn bản giấy và gửi thủ công. Đồng thời, việc ứng dụng công nghệ thông tin vào thực hiện CCHC đã giúp Huyện rút ngắn thời gian khai báo của người dân, tránh tụ tập đông người, giảm bớt các thủ tục, tiết kiệm chi phí và giúp cho lãnh đạo Huyện chỉ đạo kịp thời các giải pháp, định hướng về công tác CCHC trên địa bàn Huyện.

Với mục tiêu "Lấy sự hài lòng của người dân làm thước đo hiệu quả công việc", tiếp tục đẩy mạnh CCHC hướng tới xây dựng chính quyền điện tử, công dân điện tử, thời gian tới huyện Tháp Mười tiếp tục tăng cường kiểm tra công tác thực hiện CCHC và kiểm soát TTHC tại các cơ quan chuyên môn thuộc UBND Huyện và UBND các xã, thị trấn trên địa bàn Huyện; xây dựng và hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động quản lý, điều hành để trao đổi, gửi, nhận thông tin bằng thư điện tử; đồng thời, phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông triển khai việc cung cấp, quản lý và sử dụng dịch vụ chứng thực chữ ký số; thực hiện có hiệu quả hệ thống phần mềm quản lý văn bản điều hành iDesk trong các cơ quan trên địa bàn Huyện; đẩy mạnh thông tin và tuyên tuyền thực hiện dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 và tổ chức thực hiện có hiệu quả việc tiếp nhận hồ sơ, trả kết quả giải quyết TTHC qua dịch vụ bưu chính công ích, song song đó là thực hiện các mô hình đang thực hiện có hiệu quả trên địa bàn Huyện; đặc biệt, bồi dưỡng kiến thức, chuyên môn nghiệp vụ cho các công chức phụ trách kỹ thuật nhằm đáp ứng yêu cầu triển khai Chính quyền điện tử tại cơ quan, địa phương…./.

Hoàng Kha, Trung tâm VH,TT-TT huyện Tháp Mười