Xuất bản thông tin

null TỈNH ĐỒNG THÁP: Tổ chức Hội nghị trực tuyến đánh giá kết quả thực hiện các chỉ số cấp tỉnh năm 2021

Chi tiết bài viết Tin tức

TỈNH ĐỒNG THÁP: Tổ chức Hội nghị trực tuyến đánh giá kết quả thực hiện các chỉ số cấp tỉnh năm 2021

Nhằm đánh giá kết quả thực hiện Chỉ số Hiệu quả Quản trị và Hành chính công cấp tỉnh (PAPI), Chỉ số cải cách hành chính (PAR Index) và Chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính (SIPAS) tỉnh Đồng Tháp năm 2021 và thảo luận các nhiệm vụ, giải pháp nâng cao chất lượng thực hiện các nội dung của các chỉ số trong những năm tiếp theo, Ủy ban nhân dân Tỉnh đã tổ chức Hội nghị trực tuyến đánh giá kết quả các chỉ số của Tỉnh năm 2021.

 

Đại diện lãnh đạo Sở Nội vụ báo cáo phân tích

kết quả PAPI, PAR Index và SIPAS tỉnh Đồng Tháp năm 2021

Kết quả Chỉ số Hiệu quả Quản trị và Hành chính công Tỉnh năm 2021 đạt 42,43 điểm, giảm 4,53 điểm so với năm 2020, xếp hạng thứ 27/63 tỉnh, thành phố trong cả nước, xếp thứ hai trong khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Trong số 08 chỉ số nội dung của PAPI, chỉ số nội dung "Quản trị môi trường" của Tỉnh tiếp tục dẫn đầu cả nước. Chỉ số này phản ánh ý kiến đánh giá của người dân về chất lượng không khí và chất lượng nguồn nước sinh hoạt nơi cư trú, cũng như sự nghiêm túc của chính quyền và doanh nghiệp đầu tư ở địa phương trong bảo vệ môi trường.

Kết quả PAPI tỉnh Đồng Tháp năm 2021

Về kết quả Chỉ số cải cách hành chính Tỉnh năm 2021, đạt 86,80%, tăng 0,03% so với năm 2020, xếp thứ 26/63 tỉnh, thành phố trong cả nước, xếp thứ ba khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Trong 08 lĩnh vực của PAR Index, có 02 lĩnh vực có chỉ số đạt từ 90% trở lên, 05 lĩnh vực có chỉ số đạt từ 80% đến dưới 90% và 01 lĩnh vực có chỉ số đạt dưới 80%; trong đó, chỉ số lĩnh vực "Công tác chỉ đạo, điều hành cải cách hành chính" tiếp tục đứng vị trí thứ nhất trong cả nước (cùng với tỉnh Bình Dương, Bình Thuận, Long An, Ninh Bình, Quảng Ninh).

Kết quả PAR Index tỉnh Đồng Tháp năm 2021

Đối với Chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính Tỉnh năm 2021, kết quả đạt 89,15%, tăng 0,09% so với năm 2020, xếp thứ 15/63 tỉnh, thành phố trong cả nước, xếp thứ hai khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Chỉ số hài lòng từng nội dung đều đạt trên 85%, chỉ số hài lòng từng tiêu chí thành phần đều đạt trên 80%.

Kết quả SIPAS tỉnh Đồng Tháp năm 2021

Trong số 05 chỉ số thành phần của SIPAS thì chỉ số hài lòng về việc tiếp nhận, xử lý ý kiến góp ý, phản ánh, kiến nghị tăng 4,52% so với năm 2020 (từ 82,69% lên 87,21%). Qua kết quả này cho thấy các cơ quan, địa phương trên địa bàn tỉnh đã có sự quan tâm nhiều hơn đến việc tổ chức, bố trí các hình thức cũng như tiếp nhận và xử lý kịp thời các ý kiến góp ý, phản ánh, kiến nghị của người dân, tổ chức trong năm qua, trong đó có sự đóng góp của Tổng đài Thông tin dịch vụ công 1022 tỉnh Đồng Tháp.

Tình trạng công chức gây phiền hà, sách nhiễu cho người dân, tổ chức trong quá trình giải quyết thủ tục hành chính và việc trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính cho người dân, tổ chức bị trễ hẹn năm 2021 đã giảm rất nhiều so với những năm trước.

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, việc thực hiện các chỉ số của Tỉnh trong năm 2021 cũng còn nhiều hạn chế cần phải khắc phục, trong số đó là việc người dân, tổ chức còn đi lại nhiều lần để giải quyết thủ tục hành chính; tình trạng "hẹn miệng" vẫn còn xảy ra; thực hiện chưa nghiêm túc việc thông báo trước cho người dân, tổ chức được biết về sự trễ hẹn cũng như xin lỗi người dân, tổ chức khi trễ hẹn; việc chấp hành kỷ luật, kỷ cương hành chính của cán bộ, công chức, viên chức;…

Đại diện lãnh đạo Ủy ban nhân dân huyện Cao Lãnh phát biểu ý kiến tại Hội nghị

Với những kết quả và hạn chế được nêu ra tại Hội nghị, một số cơ quan, địa phương đã tham gia thảo luận, đề xuất một số giải pháp, nhiệm vụ cần thực hiện để cải thiện các chỉ số của Tỉnh trong thời gian tới.

Ông Phạm Thiện Nghĩa - Chủ tịch Ủy ban nhân dân Tỉnh

phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị

Kết thúc Hội nghị, Chủ tịch Ủy ban nhân dân Tỉnh đề nghị các cơ quan, địa phương phải lưu ý thực hiện các công việc trọng tâm sau:

- Đổi mới công tác thông tin, tuyên truyền, sử dụng nhiều kênh tuyên truyền khác nhau, phù hợp với từng nhóm đối tượng nhằm bảo đảm các cá nhân, tổ chức đều dễ dàng tiếp cận, tìm kiếm thông tin.

- Ngoài hình thức công khai tại Bộ phận Một cửa thì cần công khai các thông tin về quy trình, thủ tục hành chính bằng nhiều hình thức, trong đó tận dụng tiện ích của mạng xã hội.

- Sở Thông tin và Truyền thông xây dựng ứng dụng trên điện thoại di động để phục vụ người dân trong việc tra cứu thông tin về thủ tục hành chính, quản lý hồ sơ cá nhân, kê khai điện tử và trong việc chỉ đường đến nơi tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả các cấp.

- Từng ngành, địa phương phải có ít nhất 01 mô hình, cách làm đột phá trong cải cách hành chính nhằm phục vụ người dân, doanh nghiệp ngày càng tốt hơn.

- Đổi mới tư duy quản lý, phương thức lãnh đạo, chỉ đạo điều hành thực hiện nhiệm vụ cải cách hành chính tại các cơ quan, địa phương; bảo đảm hoàn thành tốt các chỉ tiêu, nhiệm vụ cải cách hành chính đã đề ra trong các kế hoạch của cơ quan, địa phương và của Tỉnh; thường xuyên theo dõi, đánh giá, quán triệt việc thực hiện các nhiệm vụ cải cách hành chính để kịp thời phát hiện và chỉ đạo xử lý những hạn chế, vướng mắc trong quá trình triển khai.

- Tổ chức thực hiện tốt việc giải quyết thủ tục hành chính cho người dân hướng đến giảm tỷ lệ hồ sơ trễ hẹn, giảm thời gian đi lại và nâng cao sự hài lòng của người dân. Tăng cường kiểm tra, giám sát, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm những trường hợp cán bộ, công chức, viên chức có hành vi nhũng nhiễu, tiêu cực khi giải quyết thủ tục hành chính. Kịp thời giải quyết các phản ánh, kiến nghị về các quy định thủ tục hành chính, tránh gây bức xúc, tạo dư luận không tốt trong Nhân dân.

- Các ngành, các cấp cần tập trung nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức về phẩm chất đạo đức, chuyên môn nghiệp vụ, tính chuyên nghiệp và kỹ năng giao tiếp ứng xử, thái độ phục vụ; có sự phân công nhiệm vụ rõ ràng, phù hợp để tăng trách nhiệm của mỗi cá nhân trong thực thi công vụ. Mỗi cán bộ, công chức, viên chức của Tỉnh phải thay đổi cách nghĩ, cách làm, ứng xử phù hợp, thể hiện được bộ mặt, hình ảnh của địa phương; luôn lắng nghe, lấy ý kiến về sự hài lòng của người dân, nghiên cứu rút ngắn thời gian giải quyết công việc.

- Mỗi cơ quan, địa phương cần có một bộ phận tổng hợp, theo dõi việc thực hiện các chỉ số của cơ quan, địa phương mình.

Xây dựng hình ảnh, môi trường của tỉnh Đồng Tháp với cán bộ tận tâm, với môi trường trong sạch nhất để làm điểm nổi bật. Trong thời gian qua, các nhà đầu tư lớn đã đến với tỉnh Đồng Tháp thông qua môi trường đầu tư, kinh doanh; các tổ chức trong và ngoài nước đã đánh giá rất tốt về môi trường của tỉnh Đồng Tháp với thái độ và cách điều hành năng động.

Tỉnh ta đã làm rất tốt chương trình về nông thôn mới, các chương trình của Nhà nước về xóa đói giảm nghèo, xuất khẩu lao động, mang lại niềm tin cho người dân đối với sự phục vụ của các cơ quan hành chính nhà nước.

Chúng ta phải tuân thủ và thực hiện tốt các chỉ số, việc này sẽ tạo ra sự đổi mới, cải cách trong chính bộ máy hành chính và ngay trong chính bản thân của chúng ta, từ đó sẽ giúp tư duy của chúng ta được rộng hơn và sâu hơn./.

Kiều Diễm – Sở Nội vụ